Dẻo thơm hạt nếp Tú Lệ.
Tây bắc , Nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nôi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được, mang tên " Gạo Nếp Tú Lệ".
Ruộng lúa nếp Tú Lệ
Đó là giống nếp Tú Lệ (còn gọi là nếp Tan Lả - theo tiếng của người Thái) - loại gạo nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.
Mang gạo ấy đồ lên được đĩa xôi vừa dẻo, lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp bản. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản.
Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…
Theo cách giải thích của các nhà khoa học, giống nếp Tú Lệ có vị thơm, ngon như vậy là do điều kiện địa lý khá đặc biệt của vùng đất này. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.
Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin (thành phần chính quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo) rất lớn. Thêm một yếu tố nữa là do đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ, dễ ngấm nước, khí hậu ở Tú Lệ trong lành thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên nếp Tú Lệ vừa sạch, vừa có mùi thơm rất lạ. Và kì lạ hơn nữa là không nơi nào trồng được loại lúa này mà cho thứ gạo thơm, dẻo như vùng thung lũng Tú Lệ.
Dẻo thơm hạt xôi nếp Tú Lệ
Không ít người thấy giống nếp quý, đã mang đi nơi khác trồng, hạt gạo dù vẫn dẻo nhưng không còn giữ được hương thơm đặc trưng của nó. Nhiều người còn quả quyết, nếp Tú Lệ phải được nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết hương vị thơm ngon của nó.