Hang Đầu Gỗ

Người Hạ Long đã lưu truyền câu ca dao: “Hòn Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”. Không phải bỗng nhiên mà hang Đầu Gỗ được người Pháp tôn là “Động của các kỳ quan”. Du khách đi du lịch Hạ Long không thể bỏ qua địa điểm thú vị này.
Hang Đầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ hay còn gọi hang Giấu Gỗ là một trong những hang động rộng và đẹp nhất trong hệ thống hang động tại vịnh Hạ Long với những nhủ đá tráng lệ được cuốn sách Merveille de Monde (Kỳ quan thế giới) của Pháp xuất bản năm 1938 xưng tụng là “Grotte des merveilles – động của các kỳ quan”. Nguyên từ xa xưa đảo Đầu Gỗ từng được biết đến với tên gọi “Canh Độc”, sách Đại Nam nhất thống chí đã từng ghi:“Đảo Canh Độc có hang rộng rãi, chứa hàng ngàn người, gần đó là hòn cặp Gà, hòn La, hòn Mèo…”.

Về tên gọi hang “Giấu Gỗ”, có truyền thuyết cho rằng vào năm 938, Ngô Quyền đã từng sử dụng hang làm nơi ém quân, chế tạo cọc gỗ vạt nhọn bịt sắt để thiết kế trận mai phục thủy chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán, giết thái tử Lưu Hoằng Thao, giành độc lập sau hơn một  ngàn năm Bắc thuộc. Sau này trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược thế kỷ XIII, Trần Hưng Đạo cũng đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim và cất giấu ở hang, biến nơi đây thành một công xưởng kín đáo. Các cọc gỗ sau khi vót nhọn đã được cắm xuống dòng sông Bạch Đằng, lợi dụng yếu tố thủy triều tạo nên thế trận bất ngờ làm tan tác tàu chiến giặc… Lâu dần, từ “Giấu Gỗ” đã bị người dân đọc trại mà thành ra “Đầu Gỗ”. Tuy nhiên, có người đã không đồng tình với cách giải thích này.
Đường Vào Hang

Tham quan hang Đầu Gỗ, du khách phải vượt qua 90 bậc đá xây để đến tận cửa hang nằm cách mặt biển chừng 27m. Do đáy hang thấp hơn cửa hang đến 8m nên sau khi nỗ lực vượt dốc lên đến cửa hang, du khách còn phải vất vả đi xuống để tiếp cận đáy hang trước khi mở ra cuộc hành trình khám phá. Để không làm thay đổi cấu trúc tự nhiên của hang, một hành lang gỗ dài chừng 500m được thiết kế trong lòng hang giúp du khách nhiều thuận tiện trong đi lại nhưng cũng hạn chế phần nào sự tiếp cận “diện đối diện” làm kém đi sự hào hứng trong tham quan và cảm nhận cái đẹp. Hang có nhiệt độ thật lý tưởng, ấm vào mùa Đông và vào mùa Hè khi tiết trời bên ngoài nóng nực thì bên trong hang lúc nào cũng khoảng 20 - 22ºC.
Hình Thù Của Hang

Hang có nhiều ngóc ngách gồm ba ngăn chính với diện tích chừng 5.000m², cửa hang rộng 17m, vòm hang cao chừng 25m. Tại ngăn phía ngoài tràn ngập ánh sánh tự nhiên, lòng hang có hình vòm cuốn, trần hang cao hơn 20m với nhiều nhủ đá rủ xuống tạo nên những hình thù kỳ lạ. Qua một khe cửa hẹp sẽ vào ngăn thứ hai tối và thấp hơn, dưới ánh sáng mờ ảo những chùm hoa đá hiện ra tựa như những bức tranh nhuốm màu sắc huyền  bí. Từ ngăn thứ ba lòng hang lại đột ngột mở rộng, giữa hang có một cột nhũ cao hơn 20m, cuối hang còn một giếng nước trong vắt… Tham quan hang Đầu Gỗ, du khách thật ấn tượng với những nhủ đá tráng lệ mang nét trầm mặc uy nghi.

Gần cửa hang Đầu Gỗ còn hiện diện một bia đá cao hơn 1m được vua Khải Định sai quan sở tại Quảng Yên lập với nội dung bằng chữ Hán mà một bản dịch tiếng Việt đặt kề bên đã tóm lược: “Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1919) vua Khải Định và Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã đi thuyền từ Lục Đầu Giang ở Kiếp Bạc qua Hải Phòng rồi ra Hạ Long…”. Đáng buồn là đã có lúc bia đá này cùng nhiều nơi trong hang bị những kẻ thiếu ý thức xâm hại bằng những dòng kỷ niệm làm hư hại và hoen ố cảnh quan.

Trong năm ngoái, Trung tâm Bảo tồn Công viên Vạn cảnh (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán nôm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện phục chế bia đá tại hang Đầu Gỗ, trả lại cho di tích vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Mong rằng những nỗ lực như vậy sẽ phát huy hiệu ứng tích cực, để không còn những hình ảnh phản cảm trong mắt du khách khi đến với di sản thế giới vịnh Hạ Long.

 
 
Top